Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Lượt xem: 189

Trong thời gian gần đây trên địa bàn hai huyện: Thạch An và Thông Nông của tỉnh Cao Bằng đã xảy ra tình trạng người dân địa phương liên kết với doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động thực hiện tuyển chọn lao động địa phương để đưa đi đào tạo và làm việc ở nước ngoài; giả danh nhân viên công ty được phép hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh để tuyển chọn và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài... gây tâm lý hoang mang cho người lao động và ảnh hưởng đến hoạt động tuyển chọn lao động của các doanh nghiệp được phép hoạt động xuất khẩu lao động nói riêng và công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Cao Bằng nói chung. Để kịp thời chấn chỉnh hoạt động tuyển chọn lao động tại địa phương, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ngày 21/7/2016 Sở Lao động- TBXH có công văn số 775/SLĐTBXH-VLATLĐ về việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, Thành phố và các đơn vị, doanh nghiệp:

          1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:

          -  Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tiếp tục phổ biến Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 19/9/2011 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh đến thôn, xóm và người lao động.

          -  Thông báo doanh nghiệp được phép tư vấn, tuyển chọn lao động trên địa bàn (theo văn bản thông báo của Sở Lao động- TBXH) đến người lao động, để tránh tình trạng người lao động bị lừa gạt, đăng ký tham gia xuất khẩu lao động với các doanh nghiệp không được phép hoạt động xuất khẩu lao động.

          - Tạo điều kiện, phối hợp với doanh nghiệp tổ chức tư vấn, tuyên truyền và tuyển chọn lao động của địa phương đi làm việc ở nước ngoài theo các Hợp đồng Cung ứng lao động đã được Cục quản lý lao động ngoài nước thẩm định và chấp thuận; thường xuyên theo dõi hoạt động tư vấn, tuyển chọn lao động của các doanh nghiệp trong hoạt động tư vấn, tuyển chọn lao động tại địa phương để ngăn ngừa tình trạng các doanh nghiệp thông tin không đúng về công việc, mức lương, hứa hẹn khi tư vấn cho người lao động... nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh để người lao động lựa chọn doanh nghiệp đăng ký tham gia XKLĐ.

          - Tăng cường kiểm tra, giám sát, tình hình tư vấn, tuyển lao động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trên địa bàn; xử lý nghiêm các vi phạm quy định về hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn quản lý.

          2. Đối với Doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh phải thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

          - Thực hiện đúng quy định của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Hợp đồng Cung ứng lao động đã được Cục quản lý lao động ngoài nước thẩm định và chấp thuận; tuyệt đối không tư vấn, hứa hẹn và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi chưa có thẩm định của Cục quản lý lao động ngoài nước.

-  Trực tiếp tuyển chọn và không được thu phí tuyển chọn của người lao động; cử cán bộ đến địa phương thực hiện công tác tư vấn, tuyển chọn lao động phải có văn bản giới thiệu, để tránh tình trạng một số đối tượng lợi dụng, mạo danh doanh nghiệp, tổ chức đến tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài.

- Phối hợp với chính quyền địa phương thông báo công khai, cung cấp cho người lao động đầy đủ thông tin về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, các điều kiện của Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và các nội dung liên quan theo quy định tại khoản 1, mục V Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH ngày 08/10/2007 của Bộ Lao động- TBXH hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 126/2007/TT-BLĐTBXH ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

-  Khi người lao động đăng ký tham gia xuất khẩu lao động phải tư vấn đầy đủ cho người lao động, cả những mặt thuận lợi và khó khăn, đặc biệt là mức lương và công việc cụ thể của người lao động ở nước ngoài; tổ chức khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động và cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động theo đúng quy định, nhằm hạn chế tối đa tình trạng người lao động phải về nước trước hạn.

-  Hợp đồng ký kết với người lao động nên lập thành 03 bản, người lao động giữ 01 bản, Công ty lưu 01 bản và gia đình người lao động giữ 01 bản để gia đình người lao động biết người thân đang làm việc ở đâu, làm công việc gì và các thông tin liên quan đến người lao động.

-  Đối với những trường hợp người lao động về nước trước thời hạn, phải thực hiện đầy đủ các thủ tục thanh lý hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật.

-  Thực hiện chế độ báo cáo tình hình tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài với Sở Lao động- TBXH theo quy định; đồng thời, thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên với Phòng Lao động- TBXH huyện, Thành phố hàng tháng, quý (nếu có người lao động xuất cảnh, người lao động về nước trước thời hạn, tình hình việc làm và thu nhập của người lao động làm việc ở nước ngoài) để Phòng Lao động- TBXH nắm được số lượng lao động của địa phương cũng như phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến người lao động./.

                                                                                                                           Phòng Việc làm - An toàn lao động

 

           

Tin khác
1 2 3 4 5  ...